Giải cơn khát vốn cho doanh nghiệp và dự án xanh

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 51 | Cật nhập lần cuối: 7/17/2023 11:32:31 AM | RSS

Chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu (CFA) là chương trình hỗ trợ kỹ thuật với tổng kinh phí thực hiện là 11,8 triệu Bảng Anh, do Quỹ Tài chính Khí hậu Quốc tế (International Climate Finance - ICF) của Vương quốc Anh tài trợ thông qua Bộ An ninh Năng lượng và Phát thải ròng bằng không (DESNZ).

Chương trình CFA được triển khai ở 9 quốc gia, gồm: Colombia, Ai Cập, Mexico, Nigeria, Pakistan, Peru, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam với mục tiêu xây dựng nguồn dự án cacbon thấp, bền vững, có khả năng huy động vốn ở mỗi quốc gia.

Đây là một trong những nỗ lực của Vương quốc Anh trong việc hỗ trợ hành động vì khí hậu ở quy mô toàn cầu, tạo điều kiện tiếp cận nguồn lực tài chính và hỗ trợ chính phủ các nước đạt được các mục tiêu về khí hậu đã đề ra trong Thỏa thuận Paris. Trong giai đoạn đầu, chương trình CFA sẽ lựa chọn 8-10 dự án ở giai đoạn tiền khả thi hiện có nhu cầu huy động vốn từ 5 triệu USD trở lên.

Trong hai ngày 15 - 16/5, tại Hà Nội, PwC Việt Nam tổ chức chuỗi hội thảo trong Chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu (Climate Finance Accelerator - CFA), nhằm kết nối 9 dự án bon thấp trên khắp Việt Nam với các nhà đầu tư, tổ chức tài chính hàng đầu trong và ngoài nước như: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ngân hàng HSBC, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), Vietinbank, Vinacapital...

NẮM BẮT CƠ HỘI ĐỂ CHUYỂN ĐỔI XANH

Theo các chuyên gia tại hội thảo, Việt Nam là điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và thế giới, riêng năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng GDP lên tới 8,02%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng cao phần nào lại gây áp lực lớn lên môi trường do hoạt động phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Mặt khác, Việt Nam cũng là 1 trong 5 quốc gia có khả năng chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nhiều nhất do phần lớn dân số sống ở các vùng trũng ven biển. Hậu quả do biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và đời sống người dân. Nghiên cứu của các tổ chức quốc tế cho thấy biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam tổn thất 15 tỷ USD/năm, tương đương 5% GDP. Ước tính, biến đổi khí hậu tiếp tục gây thiệt hại GDP 3,5% vào năm 2050; 37% dân số sống ở các vùng trũng, vốn chỉ chiếm 15% diện tích đất của cả nước.

Trong bối cảnh này, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam chủ động thực hiện các hành động vì môi trường và xã hội, có những doanh nghiệp chớp lấy thời cơ kinh doanh trong tiến trình Việt Nam hướng đến mục tiêu chuyển đổi xanh, phát triển xanh, hoặc thậm chí khởi sự kinh doanh từ chính sản phẩm thân thiện môi trường.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xanh hiện đang phải đối mặt nhiều khó khăn như chi phí đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài, rủi ro thị trường cao, nhiều doanh nghiệp mới thành lập khó chứng minh được năng lực tài chính... khiến nhiều doanh nghiệp, dự án vẫn đang lăn lộn đi tìm vốn đầu tư. Đây cũng là điều khiến nhiều ngân hàng, nhà đầu tư ngần ngại rót vốn vào các lĩnh vực này.

Chẳng hạn, nhìn thấy tiềm năng biến rác thải công nghiệp thành gạch không nung, nhóm nghiên cứu đến từ Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 4 đang triển khai dự án tập trung xử lý, tái sử dụng tro bay từ nhiệt điện than để sản xuất gạch bê tông khí chưng áp (AAC) và các loại gạch không nung khác, nhằm thay thế gạch đất sét nung truyền thống, góp phần vào công cuộc phi cacbon hóa ngành vật liệu xây dựng tại Việt Nam.

Hiện nay, lượng tro, xỉ khổng lồ này vẫn được các nhà máy nhiệt điện xử lý theo phương án chôn lấp và phủ bạt, tưới nước. Thay vì là rác thải, dự án tính cách xử lý, tái sử dụng tro bay của các nhà máy nhiệt điện đốt than và các ngành công nghiệp khác để sản xuất vật liệu xây dựng không nung. Khi thực hiện dự án này cũng giúp khử cacbon từ ngành vật liệu xây dựng trong nước.

Một điểm đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ vừa chính thức phê duyệt Quy hoạch điện VIII. Theo lộ trình, đến năm 2030, tỷ trọng điện than/tổng nguồn giảm mạnh, chỉ còn 19% và tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ về 0%. Quy hoạch Điện VIII mang đậm chất chuyển dịch năng lượng, giúp Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050.

Trong quá trình chuyển đổi năng lượng như vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng một trong những vấn đề từ chất thải từ các nhà máy nhiệt điện than tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội, chắc chắn phải xử lý.

Đánh giá về tiềm năng thị trường, theo đánh giá từ đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 4, tổng giá trị thương mại gạch ACC toàn cầu lên tới hơn 8 tỷ USD, riêng thị trường châu Á – Thái Bình Dương, chiếm hơn 4 tỷ USD và dự báo tăng trưởng 6-7%/năm từ 2020-2025.

Trong khi đó, thị trường gạch đất sét nung truyền thống được quản lý chặt chẽ hơn do sử dụng đất nông nghiệp và phát thải C02, khiến công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường như AAC trở thành lựa chọn tốt hơn.

Trước tiềm năng lớn của thị trường này, đại diện dự án này có nhu cầu vốn khoảng 80 triệu USD, với mục tiêu biến một nhà máy nhiệt điện đầu tiên ở Việt Nam không còn chất thải; đồng thời cam kết lợi ích lâu dài cho nhà đầu tư trong suốt vòng đời dự án.

Một dự án khác cũng cần tới 84 triệu USD để phát triển và sản xuất một loại pin VFB sử dụng chất điện phân vanadium để lưu trữ năng lượng, từ đó thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi hơn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời.

Theo đánh giá, nhu cầu lưu trữ năng lượng trong thời gian dài ngày càng tăng do quá trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng tái tạo, do vậy, đơn vị này đã huy động được 25 triệu USD để phát triển dự án.

DỰ ÁN XANH KHÓ TIẾP CẬN NGUỒN VỐN

Dù vậy, trong tiến trình chuyển đổi dài hơi, một nghiên cứu lại cho thấy nguồn tài chính tài trợ khí hậu ở Việt Nam trong tổng danh mục cho vay của các ngân hàng mới chỉ ở mức khoảng 5%, tương đương với 10,3 tỷ USD.

Một báo cáo từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, đến năm 2040, để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, phát thải ròng bền vững, Việt Nam cần phải có thêm tới 6,8% GDP đầu tư hàng năm, tức lên tới 368 tỷ USD.

Theo ghi nhận, hiện vẫn còn nhiều yếu tố cản trở dòng vốn xanh đến với những doanh nghiệp, những dự án đang khát vốn.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Ian Milborrow, Phó Tổng Giám đốc PwC Anh, nhận thấy một loạt các thách thức trong các dự án được PwC kết nối. Chẳng hạn, một số rủi ro về công nghệ, khi công nghệ có thể áp dụng tại một quốc gia nhưng lại khó khăn khi triển khai tại Việt Nam.

Hay có trường hợp chưa chứng minh được thị trường đầu ra, phải thay đổi công nghệ và nhiều yếu tố mới có thể thương mại hoá, hoặc nhiều dự án khó khăn về dòng tiền, khó khăn tiếp cận nguồn vốn.

Ông Ian Milborrow, Phó Tổng Giám đốc PwC Anh.

Ông Ian Milborrow, Phó Tổng Giám đốc PwC Anh.

"Tùy thuộc vào bản chất của dự án, chúng tôi đưa ra những lời khuyên để điều chỉnh dự án, giảm thiểu rủi ro trong mô hình kinh doanh.

Cùng với đó, cố gắng kết nối dự án với nguồn tài chính khí hậu phù hợp trên thị trường như các ngân hàng thương mại tại Việt Nam hay các tổ chức, định chế tài chính quốc tế như: IFC, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)..., đồng thời, hình thành nên một hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp.

Cũng theo lãnh đạo PwC Anh, các dự án được chọn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như năng lượng tái tạo, sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả, giao thông vận tải, nông nghiệp, quản lý chất thải... và những lĩnh vực có thể giúp Việt Nam đạt được các cam kết về khí hậu.

Các dự án này có nhu cầu tài chính trong khoảng 5 - 100 triệu USD và thông thường đều trải qua các vòng gọi vốn giai đoạn đầu như: Series A, B...

Nhằm nâng cao năng lực của dự án và cơ hội thu hút các nhà đầu tư Việt Nam và quốc tế, các dự án sẽ nhận được những hình thức hỗ trợ năng lực chung và riêng phù hợp cho từng dự án. Chương trình cũng sẽ phối hợp với các nhà hoạch định chính sách của Chính phủ Việt Nam để chia sẻ những kiến thức chuyên sâu, thúc đẩy xây dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động tài chính khí hậu tại Việt Nam.

Sau khi tạo điều kiện cho các đơn vị phát triển dự án gặp gỡ và tiếp cận với các tổ chức tài chính có khả năng phát triển và cấp vốn cho các dự án khí hậu quy mô lớn, các dự án có tiềm năng sẽ có khả năng nhân rộng và phát triển mạnh mẽ hơn. Từ đó, góp phần giúp Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu tham vọng đạt mức phát thải ròng bằng không của Việt Nam đến năm 2050, giảm phát thải khí nhà kính và đề ra những mục tiêu về khí hậu tham vọng hơn.