Kinh tế Mỹ hạ cánh “mềm” hay “cứng” tuỳ thuộc vào mục tiêu lạm phát của Fed

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 44 | Cật nhập lần cuối: 7/25/2023 10:13:01 AM | RSS

Giới chuyên gia tranh cãi về việc liệu Fed có nên tăng mục tiêu lạm phát lên 3% để tránh gây suy thoái kinh tế...

Giá bán: VND

Giá trên web chỉ mang tính chất tham khảo.

S.lượng:

Gần đây, giới đầu tư toàn cầu khấp khởi hy vọng rằng nền kinh tế Mỹ sẽ có được một cuộc “hạ cánh mềm” bất chấp chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang nước này (Fed). Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng một cuộc hạ cánh “cứng” hay “mềm” của kinh tế Mỹ sẽ tuỳ thuộc vào việc Fed có sẵn sàng chấp nhận mức lạm phát cao hơn đáng kể so với những gì Fed mong muốn hay không.

Sau khi tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6, Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp của ông tại ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới dự định trở lại với việc tăng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào tuần này, với mức tăng dự kiến là 0,25 điểm phần trăm. Mục đích của việc tăng lãi suất vẫn là làm cho nền kinh tế giảm tốc đủ để kéo lạm phát về mức 2% mà không gây ra suy thoái - nói nôm na là tạo ra một cuộc hạ cánh mềm.

FED CHUẨN BỊ CÓ ĐỢT TĂNG LÃI SUẤT CUỐI CÙNG?

Với khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp bắt đầu vào ngày thứ Ba và kết thúc vào ngày thứ Tư (25-26/7) gần như đã chắc chắn, câu hỏi lớn nhất đặt ra đối với thị trường tài chính lúc này là Fed sẽ làm gì tiếp theo. Cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke đã nói rằng đợt tăng tuần này có thể là lần cuối cùng trong chu kỳ thắt chặt này của Fed. Đến hiện tại, Fed đã có 10 lần tăng lãi suất kể từ khi chu kỳ thắt chặt được khởi động vào tháng 3/2022, với tổng mức tăng tròn 5 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, câu trả lời sẽ tuỳ thuộc nhiều vào việc Fed sẵn sàng chấp nhận mức lạm phát như thế nào, và trong bao lâu.

Kinh tế Mỹ hiện chưa suy thoái, nên thị trường lao động của nước này được dự báo sẽ còn ở trong tình trạng thắt chặt, nghĩa là nhu cầu lao động sẽ tiếp tục vượt nguồn cung. Tình trạng đó sẽ giữ tiền lương duy trì xu hướng tăng, gây áp lực buộc các công ty phải tăng giá hàng hoá và dịch vụ để bù đắp chi phí nhân công tăng.

“Sẽ khó để nhu cầu bị siết lại ở mức đủ để không gây ra suy thoái mà vẫn giải toả được áp lực giá cả khỏi nền kinh tế”, nhà kinh tế trưởng Bruce Kasman của ngân hàng JPMorgan Chase nhận định. “Tôi không cho là lạm phát có thể giảm dưới mức 3% một cách bền vững” nếu không làm cho nhu cầu giảm mạnh hơn.

Như vậy, rủi ro ở đây là có thể đến lúc Fed lại phải tăng thêm lãi suất sau đợt tăng tuần này, nhất là trong trường hợp kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái trong năm nay - ông Kasman nhấn mạnh. Dù vậy, kịch bản chính của JPMorgan Chase vẫn là đợt tăng lãi suất tuần này của Fed sẽ là lần cuối cùng của chu kỳ.

“Thực sự là không có một bằng chứng nào cho thấy Fed đã tăng lãi suất đến mức đủ để có thể dừng lại”, nhà kinh tế trưởng Lindsey Piegza của Stifel Financial Corp. nhận định. Bà Piegza dự báo Fed rốt cục sẽ tăng lãi suất lên mức 6%, từ mức 5-5,25% hiện tại.

“Có một số cú sốc nguồn cung tiềm năng có thể xảy đến, gây đảo ngược tiến trình giảm lạm phát, rốt cục khiến Fed phải nối lại việc tăng lãi suất cho tới cuối năm 2024… Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi cho rằng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong một thời gian dài sau tháng 7, nhưng vẫn có khả năng nhất định Fed có thể nối lại việc tăng lãi suất ở một thời điểm nào đó”, một báo cáo của Bloomberg Economics nhận định.

TRANH CÃI VỀ VIỆC NÂNG MỤC TIÊU LẠM PHÁT LÊN 3%

Những nhà kinh tế học nổi tiếng từng cảnh báo sớm Fed về lạm phát giờ đây có quan điểm không đồng nhất về việc Fed nên làm gì tiếp sau cuộc họp tháng 7.

Nhà kinh tế Mohamed El-Erian của Allianz SE lập luận rằng Fed nên “sống chung” với lạm phát khoảng 3% và không nên cố gắng làm sụt tốc nền kinh tế để đưa lạm phát về mục tiêu 2%. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Lawrence Summers nói rằng đặt ra mục tiêu lạm phát 3% ở thời điểm này là một ý tưởng tồi và dẫn tới rủi ro mở đường cho lạm phát thậm chí còn mạnh hơn trong chu kỳ kinh tế tiếp theo.

Tỷ lệ lạm phát ở Mỹ hiện đã giảm đáng kể so với mức đỉnh thiết lập vào năm ngoái. Xu hướng xuống thang này chủ yếu phản ánh sự giải toả áp lực giá cả phát sinh từ đại dịch Covid-19 và cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Điều này có lẽ được thể hiện rõ nét nhất trên thị trường dầu thô.

Nhưng chặng cuối của nỗ lực giảm lạm phát xuống mức mục tiêu 2% như Fed đề ra có lẽ sẽ là việc khó hơn, bởi lẽ lạm phát đang dai dẳng ở lĩnh vực dịch vụ, nơi giá cả có khuynh hướng khó giảm hơn và cũng là nơi mà tiền lương chiếm một tỷ trọng lớn hơn trong chi phí vận hành doanh nghiệp.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát mà Fed ưa chuộng, tăng 3,8% trong tháng 5 so với một năm trước đó. Chỉ số PCE lõi - không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, được các quan chức Fed đánh giá là đại diện chuẩn xác hơn cho các xu hướng cơ bản của giá cả - tăng 4,6% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái.

“Đi hết chặng cuối mới là việc khó. Khi nguy cơ suy thoái kinh tế tăng lên, Fed sẽ phải từ bỏ việc theo đuổi ổn định giá cả”, ông Vincent Reinhart - một cựu quan chức Fed, hiện là nhà kinh tế trưởng của công ty Dreyfus và Mellon - nhận định.

Ông Powell luôn khẳng định rằng Fed gắn liền với mục tiêu lạm phát 2%, mặc dù ông thừa nhận có thể mất một thời gian để đạt được mục tiêu đó, có lẽ phải đến năm 2025. Ông cũng thừa nhận rằng có thể cần phải có một thị trường lao động yếu hơn để đạt được mục tiêu đó, nhưng ông tin mục tiêu lạm phát như vậy có thể đạt được mà không có sự gia tăng đáng kể tỷ lệ thất nghiệp và suy thoái kinh tế.

Ông Kasman cho rằng dữ liệu lạm phát hàng tháng có thể vẫn cho thấy sự suy yếu trong vài tháng tới do hàng hoá nhập khẩu rẻ hơn từ Trung Quốc, các nút thắt trong chuỗi cung ứng toàn cầu được giải toả và giá thuê nhà ở Mỹ giảm. Tuy nhiên, ông lập luận rằng bất kỳ sự giải toả áp lực lạm phát nào cũng có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do thị trường lao động tiếp tục thắt chặt và các công ty ngày càng sẵn sàng cho việc tăng giá hàng hoá, dịch vụ.

Ông El-Erian nhận định Fed có thể sẽ đối mặt với một sự lựa chọn trong quý 4 năm nay: Hoặc tiếp tục nỗ lực giảm lạm phát về mục tiêu 2% và gây ra một sự đổ vỡ nào đó trên thị trường tài chính hoặc trong nền kinh tế; hoặc nhận ra rằng đưa lạm phát về 2% không phải là dễ và sẵn sàng điều chính mục tiêu lạm phát.

Vị chuyên gia lập luận rằng nhiều yếu tố tác động đồng thời - gồm những dịch chuyển trong chuỗi cung ứng toàn cầu và chi phí cho việc đạt mục tiêu phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 - cho thấy Fed nên đặt ra mục tiêu lạm phát 3% thay vì 2%.

“Nếu họ giảm lạm phát từ 9% về 3%, thì họ sẽ không bị mất uy tín khi họ dừng thắt chặt ở ngưỡng lạm phát 3% thay vì 2%”, Chủ tịch Adam Posen của Peterson Institute for International Economics nhận định. Ông Posen cũng là một nhà kinh tế kêu gọi Fed đặt mục tiêu lạm phát cao hơn.

Dù vậy, ông Summers cảnh báo rằng việc đặt ra một mục tiêu lạm phát cao hơn vào thời điểm này có thể dẫn tới những vấn đề trong tương lai, vì các lực lượng trong nền kinh tế sẽ đẩy giá cả lên.

“Dù họ có đặt ra mục tiêu lạm phát như thế nào, thì đó cũng chỉ là mức thấp của chu kỳ chứ không phải mức bình quân của cả chu kỳ. Khi kinh tế hồi phục, lạm phát sẽ tăng lên”, ông Summers nói. “Cơ hội hạ cánh mềm cho nền kinh tế với mục tiêu lạm phát 3% là lớn hơn, nhưng khả năng đó vẫn ít hơn 50%”.